Sản phụ khoa
Sản phụ khoa

12 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý

Trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu có thể gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe với các biểu hiện khác nhau. Một số biểu hiện là bình thường nhưng cũng có những dấu hiệu là “cảnh báo” cho các biến chứng thai sản. Do đó, điều quan trọng nhất là mẹ bầu và gia đình cần hiểu rõ đâu là những dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai để kịp thời can thiệp.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Thạc sĩ - Bác sĩ Phan Nguyễn Quốc Thuận
Ngày đăng 2023-04-22
Cập nhật ngày 2023-07-31
Nội dung chính
12 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ýDấu hiệu nguy hiểm khi mang thai theo từng tam cá nguyệtMẹ bầu cần làm gì nếu nhận thấy các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai?
12 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý

Trong bài viết này, Bảo hiểm Bowtie sẽ chia sẻ 12 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà bạn cần “nằm lòng”. Nếu phát hiện các dấu hiệu này trong thai kỳ, mẹ bầu cần được kiểm tra ngay để xác định nguyên nhân là gì và có cách can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như sự an toàn cho cả 2 mẹ con nhé!

12 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý

Dưới đây là “top” các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà bạn cần lưu ý trong suốt thai kỳ:

1. Ra máu âm đạo bất thường

Ra máu âm đạo bất thường là vấn đề mà bạn cần lưu tâm hàng đầu khi mang thai. Bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các biến chứng thai sản nguy hiểm. Trong ba tháng đầu thai kỳ, hiện tượng này gợi ý tình trạng động thai, dọa sẩy thai, thai nằm ngoài tử cung, thai lưu, thai trứng. Trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ, ra máu bất thường có thể gợi ý tình trạng dọa sinh non, nhau bong non, nhau bám bất thường…

Mỗi tình trạng sẽ có biểu hiện và triệu chứng đi kèm khác nhau, có thể kèm đau bụng hoặc không. Tuy nhiên, khi thấy dấu hiệu này, dù đang ở giai đoạn nào của thai kỳ thì bạn cũng cần được kiểm tra bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

2. Đau bụng dữ dội, không thuyên giảm

Đau bụng cũng là dấu hiệu mẹ bầu cần “cảnh giác” hàng đầu khi mang thai. Nếu bị đau bụng dữ dội, đau như dao đâm, đau quặn kéo dài, đau âm ỉ tăng dần và ngày một nghiêm trọng, không thuyên giảm thì tốt nhất bạn nên đi khám. Đau bụng có thể là dấu hiệu cảnh báo cho nhiều vấn đề đáng lo ngại như:

  • Trong ba tháng đầu: Thai ngoài tử cung, thai ngoài tử cung dọa vỡ hoặc đã vỡ, dọa sẩy thai hoặc sẩy thai…
  • Trong ba tháng giữa và ba tháng cuối: Dọa sinh non, sinh non, nhau bong non, tiền sản giật, hội chứng HELLP (hội chứng gây thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu)…

Nếu bị đau bụng, có thể không hoặc có đi kèm với các triệu chứng khác như ra máu âm đạo, đau lưng, ợ nóng đến mức đau nhói trong lồng ngực hoặc lan đến vai thì bạn nên đi khám ngay. 

3. Đau đầu không thuyên giảm

Đau đầu là một tình trạng rất thường gặp. Tuy nhiên, tình trạng đau đầu dữ dội, kéo dài trong thai kỳ có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề nguy hiểm như tiền sản giật, sản giật hoặc hiếm gặp hơn là đột quỵ. Nếu cơn đau đầu của bạn có những đặc điểm sau đây, hãy đi khám ngay:

  • Cực kỳ dữ dội và bạn có cảm giác như đây là cơn đau đầu “tồi tệ” nhất mình từng gặp phải trước đây
  • Kéo dài ngay cả khi bạn đã dùng các loại thuốc giảm đau an toàn và phù hợp khi mang thai
  • Cơn đau bắt đầu đột ngột nhưng rất dữ dội
  • Đau nhói ở một bên đầu, phía trên tai 
  • Đau đầu đi kèm với mờ mắt, chóng mặt

4. Chóng mặt, ngất

Chóng mặt có thể là một trong những dấu hiệu, biểu hiện nguy hiểm khi mang thai, giúp cảnh báo các tình trạng như tiền sản giật, đột quỵ, các vấn đề về tim mạch hoặc phổi, xuất huyết nội, thay đổi đường huyết… Bạn có thể bị chóng mặt, choáng váng liên tục hoặc hết rồi lại bị lại trong nhiều ngày, thậm chí đi kèm với ngất. Tình trạng này rất đáng “quan ngại” nếu xảy ra sau tuần 16 của thai kỳ hoặc đi kèm các triệu chứng khác như đau đầu, nhìn mờ, nói lắp, tim đập nhanh, đau ngực, khó thở hay ra máu âm đạo…

5. Thay đổi thị lực, nhìn mờ

Trong thời gian mang thai, nếu bạn gặp phải các vấn đề về thị lực như nổi đom đóm mắt (mắt nhìn thấy đốm sáng, chớp sáng), mắt nhìn mờ hoặc hoàn toàn không nhìn thấy gì trong một thời gian ngắn, không thể tập trung nhìn một vật cụ thể hoặc mắt bị song thị (nhìn đôi) thì nên đi khám ngay. Tình trạng này có thể là một trong các triệu chứng nguy hiểm khi mang thai, nhất là nếu xảy ra sau tuần thứ 16 của thai kỳ. Một số tình trạng có thể dẫn đến thay đổi thị lực là tăng huyết áp, tiền sản giật, đột quỵ…

6. Khó thở, đau tức ngực

Khi mang thai, mẹ bầu có thể gặp phải các biểu hiện như khó thở đột ngột hoặc tăng dần, cảm giác như không có đủ không khí vào phổi, cổ họng/ngực căng cứng, khó thở khi nằm ngửa. Tình trạng này khá thường gặp ở mẹ bầu nhưng trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo tiền sản giật, thuyên tắc phổi, các vấn đề về tim mạch, nhiễm trùng phổi… Mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý đến tình trạng khó thở nếu:

  • Mẹ bầu bị huyết áp cao hoặc phù chi
  • Khó thở đột ngột, đặc biệt là đi kèm với phù ở một bên đùi, cẳng chân hoặc cánh tay
  • Xảy ra sau tuần 16 – 20 của thai kỳ 
  • Đi kèm các triệu chứng khác như đau ngực, đau lưng, đau đầu, thay đổi thị lực, mắt nhìn mờ, chóng mặt, nhịp tim nhanh

Bên cạnh khó thở, mẹ bầu cũng cần lưu ý nếu gặp phải các tình trạng như căng tức, đè ép ở giữa ngực, đau ngực lan đến vùng lưng, cổ, cánh tay, tim đập nhanh, đánh trống ngực, nhịp tim không đều. Đây đều là những dấu hiệu, triệu chứng nguy hiểm khi mang thai, nhất là nếu chúng kết hợp với nhau. Bởi các dấu hiệu này có thể cảnh báo cho các vấn đề như nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi…

7. Nôn mửa nghiêm trọng

Nôn mửa dữ dội có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại khi mang thai, nhất là nếu nôn mửa liên tục hoặc có các triệu chứng đi kèm như khô miệng, nhức đầu, lú lẫn, sốt, chóng mặt. Nếu thấy có các biểu hiện này, bạn nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu đang bị mất nước nghiêm trọng, rối loạn điện giải. Nguyên nhân có thể liên quan đến các vấn đề về gan, tuyến tụy hoặc ngộ độc thực phẩm.

Nôn mửa là một dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai
Tình trạng nôn mửa nghiêm trọng, dù ở giai đoạn nào của thai kỳ, cũng đều cần được quan tâm, theo dõi.

8. Phù tay chân kèm đau

Trong thời gian mang thai hoặc sau sinh (thường là trong 6 tuần đầu), mẹ bầu có thể bị phù nhẹ ở tay hoặc chân. Tình trạng này là bình thường nhưng nếu đi kèm với đau nhức lại là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý nguy hiểm, trong đó có thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (tình trạng cục máu đông hình thành ở các tĩnh mạch). Cục máu đông này có thể di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể và gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm hơn như thuyên tắc phổi, đột quỵ.

Vì vậy, nếu nhận thấy tình trạng phù tay chân mà bên bị phù có biểu hiện đau, đỏ và nóng hơn bên còn lại, mẹ bầu nên trao đổi với bác sĩ để xác định được nguyên nhân cụ thể.

9. Ra dịch âm đạo

Ra dịch âm đạo bất thường khi mang thai cũng là dấu hiệu bạn cần lưu tâm. Nếu dịch chảy ra nhiều, loãng, mùi tanh nồng, bạn có thể nhận diện được tình trạng ối vỡ. Tuy nhiên, nếu mức độ tiết dịch không nhiều hoặc không kèm bất kỳ đặc trưng nào của hiện tượng ối vỡ, bạn có thể sẽ bỏ sót dấu hiệu này. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, có hoặc không có kèm theo những dấu hiệu như đau bụng, đau lưng, hãy đến ngay cơ sở y tế để được xác định tình trạng của ối cũng như sức khỏe của mẹ và bé.

10. Sốt cao

Khi mang thai, thân nhiệt của mẹ bầu có xu hướng hơi tăng nhẹ. Tuy nhiên, nếu bị sốt cao trên 38 độ mà không rõ nguyên nhân hoặc nếu bị sốt đi kèm với các biểu hiện như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng/đau lưng dữ dội, khó tiểu, dịch tiết âm đạo có mùi khó chịu… thì mẹ bầu không nên chủ quan. Bởi sốt cao thường là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng xuất hiện trong cơ thể.

11. Thai giảm cử động

Thai giảm cử động hoặc không cử động là một dấu hiệu vô cùng đáng lo, nhất là nếu mẹ bầu còn thấy bụng không to lên hoặc to lên nhanh, đi kèm khó thở, đau bụng, ra máu âm đạo…. Bởi các dấu hiệu này có thể cho thấy tình trạng thai bất thường, có thể kể đến như thai chậm phát triển, thai chết lưu, thiểu ối hoặc đa ối.

12. Cảm thấy buồn bã, suy nghĩ tiêu cực

Mệt mỏi, tâm trạng thay đổi thất thường là tình trạng thường gặp khi mang thai. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên cảm thấy buồn bã, căng thẳng, lúc nào cũng suy nghĩ tiêu cực thì cần lưu ý. Bởi nếu tình trạng này kéo dài lâu mà không được giải tỏa, mẹ bầu rất dễ rơi vào trầm cảm, đôi khi có những hành động gây hại cho bản thân và em bé. 

Có thể bạn quan tâm: 

Dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai theo từng tam cá nguyệt

Theo từng tam cá nguyệt, mẹ bầu có thể gặp phải các vấn đề khác nhau. Dưới đây là những dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai ở 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ mà mẹ bầu nên lưu ý:

Dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai 3 tháng đầu

Dưới đây là những dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai 3 tháng đầu (tháng thứ 1, 2, 3) mẹ bầu cần lưu ý:

  • Đau bụng và/hoặc ra máu âm đạo. Ở giai đoạn đầu, nhiều mẹ bầu có thể nhận thấy hiện tượng ra ít máu ở âm đạo (dấu hiệu cho thấy phôi thai đã làm tổ ở tử cung). Thông thường, hiện tượng này sẽ là những đốm màu hồng hoặc nâu, thậm chí chỉ vài giọt nhỏ ở quần lót. Còn nếu bạn thấy máu màu đỏ sậm, có kèm dịch, khối máu đông, máu chảy nhiều thì nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu bất thường của thai.
  • Đau vùng chậu (thường nặng hơn ở một bên), chóng mặt, chảy máu âm đạo và nặng nề hơn có thể đau khắp cả vùng bụng dưới. Đây là dấu hiệu thường gặp của mang thai ngoài tử cung, một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng cần được can thiệp ngay.
  • Đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Buồn nôn hoặc nôn nghiêm trọng
  • Phát ban hoặc xuất hiện những tổn thương bất thường trên da

Dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa

Mẹ bầu cần quan tâm đến một số dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai ở 3 tháng giữa (tháng thứ 4, 5 và 6) sau đây: 

  • Đau bụng dữ dội, bất thường
  • Giảm cử động thai (thai máy). Sau 28 tuần tuổi thai, nếu bạn không đếm được từ 6 đến 10 chuyển động của con trong một giờ, hãy đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.
  • Khó thở hoặc hụt hơi ngày càng nghiêm trọng
  • Dấu hiệu chuyển dạ sớm như ra máu âm đạo hoặc dịch lỏng bất thường (nghi ngờ ối vỡ); có cảm giác đè ép, đau ở bụng hoặc lưng hoặc xuất hiện các cơn gò cứng tử cung hơn 4 lần trong vòng một giờ.

Những dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý khi mang thai 3 tháng cuối

Trong 3 tháng cuối thai kỳ (tháng thứ 7, 8, 9), nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, mẹ bầu cần đi khám ngay:

  • Đau bụng liên tục hoặc nghiêm trọng
  • Xuất hiện các cơn co thường xuyên (hơn 4 cơn gò trong một giờ)
  • Ớn lạnh và sốt trên 38 độ C
  • Ra máu âm đạo
  • Ra nước hoặc dịch ở âm đạo (có thể nhỏ giọt hoặc tuôn dữ dội)
  • Giảm cử động thai (ít hơn 10 cử động trong hai giờ)
  • Nôn mửa không thuyên giảm
  • Nóng rát khi đi tiểu hoặc khó đi tiểu
  • Phù tay chân nhiều, hoặc xuất hiện phù ở mặt
  • Mờ mắt hoặc mắt có hiện tượng nổi đom đóm
  • Đau đầu nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với bất kỳ loại thuốc giảm đau nào
Dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai 3 tháng giữa thai kỳ
Mẹ bầu cần quan tâm đến những dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai ở 3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là dấu hiệu chuyển dạ sớm.

Mẹ bầu cần làm gì nếu nhận thấy các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai?

Nếu nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào kể trên, mẹ bầu cần đi khám càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mẹ bầu cần giữ bình tĩnh, đừng để bản thân kích động, lo lắng hoặc hoảng sợ quá mức. Bởi thực tế, các dấu hiệu này cũng rất thường thấy khi mang thai và không phải lúc nào cũng nguy hiểm. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến các dấu hiệu bất thường cũng khá đa dạng, đôi khi chỉ đến từ việc thay đổi nội tiết tố khi mang thai, do bé ngày càng lớn gây áp lực lên các cơ quan trong cơ thể hoặc do chế độ ăn uống, sinh hoạt của mẹ bầu. Do đó, hãy bình tĩnh và đến ngay các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân chính xác và có biện pháp can thiệp kịp thời nhé.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu cần “nằm lòng”. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào kể trên hoặc nghi ngờ bé cưng đang có vấn đề, hãy thu xếp thời gian đi khám ngay bạn nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Thủ phạm khiến nữ giới khó thụ thai Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Thủ phạm khiến nữ giới khó thụ thai
Sản phụ khoa

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Thủ phạm khiến nữ giới khó thụ thai

Bà bầu bị nghẹt mũi: 9 mẹo khắc phục ngay tại nhà không cần thuốc Bà bầu bị nghẹt mũi: 9 mẹo khắc phục ngay tại nhà không cần thuốc
Sản phụ khoa

Bà bầu bị nghẹt mũi: 9 mẹo khắc phục ngay tại nhà không cần thuốc

Vô sinh là gì? Dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị vô sinh Vô sinh là gì? Dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị vô sinh
Sản phụ khoa

Vô sinh là gì? Dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị vô sinh

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK