Bảo hiểm sức khỏe
Bảo hiểm sức khỏe

Bảo hiểm thai sản là gì? Giải đáp thắc mắc về bảo hiểm thai sản

Khi có kế hoạch mang thai, một trong những điều đầu tiên được nhiều cặp đôi nghĩ đến là việc tham gia bảo hiểm thai sản để giúp mẹ và bé được bảo vệ tốt nhất. Thế nhưng, mua bảo hiểm thai sản liệu có cần thiết và nên mua khi nào?
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-09-15
Cập nhật ngày 2023-06-05
Nội dung chính
Bảo hiểm thai sản là gì?Có nên mua bảo hiểm thai sản không?Thời gian chờ của bảo hiểm thai sản là gì?Bạn nên mua bảo hiểm thai sản khi nào?Những quyền lợi cơ bản của bảo hiểm thai sảnCâu hỏi thường gặp về bảo hiểm thai sản
Bảo hiểm thai sản là gì?

Trong bài viết này, Bowtie Việt Nam sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc xoay quanh việc mua bảo hiểm thai sản, vì sao nên mua và mua khi nào là tốt nhất. Mời bạn cùng theo dõi nhé!

Bảo hiểm thai sản là gì?

Bảo hiểm thai sản hay bảo hiểm sinh nở là loại bảo hiểm tự nguyện dành cho nữ giới có ý định sinh con. Gói bảo hiểm này mang đến những quyền lợi trong việc chăm sóc sức khỏe suốt quá trình mang thai và sinh nở, bao gồm chi trả chi phí sinh mổ hoặc sinh thường, chi phí điều trị biến chứng xảy ra khi mang thai và sinh nở chẳng hạn như các trường hợp sinh khó hoặc sinh non.

Hiện tại, các công ty bảo hiểm thường tích hợp bảo hiểm thai sản vào trong các chương trình bảo hiểm sức khỏe . Khi tham gia, bảo hiểm thai sản không chỉ giúp vơi bớt nỗi lo về chi phí trong quá trình mang thai, sinh nở mà còn mang đến cho bạn cơ hội được chăm sóc sức khỏe tốt hơn với các dịch vụ y tế chất lượng. Điều này sẽ giúp bạn cũng như các thành viên trong gia đình thêm an tâm và có nhiều thời gian chuẩn bị để chào đón một thành viên mới.

Có nên mua bảo hiểm thai sản không?

Việc tham gia bảo hiểm thai sản có thể mang đến cho bạn và gia đình nhiều lợi ích thiết thực. Một trong những lợi ích đầu tiên và dễ nhận thấy nhất đó là bảo hiểm thai sản sẽ san sẻ một phần chi phí trong quá trình mang thai, sinh nở. 

Ngoài ra, bảo hiểm thai sản còn mang đến cho bạn cơ hội được chăm sóc và sinh nở tại các bệnh viện uy tín, nơi có đội ngũ y bác sĩ giỏi để đảm bảo 9 tháng 10 ngày mang thai an toàn và em bé chào đời khỏe mạnh. Một số gói bảo hiểm còn cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh ở bệnh viện và tại nhà.

Với các gói bảo hiểm thai sản, bạn sẽ được hỗ trợ tối đa về mặt tài chính trong quá trình mang thai và sinh con, đồng thời giúp bạn duy trì tinh thần thoải mái, an tâm để chào đón thêm một thành viên mới.

Thời gian chờ của bảo hiểm thai sản là gì?

Thời gian chờ bảo hiểm thai sản là khoảng thời gian mà các quyền lợi thai sản sẽ không được chi trả dù sự kiện bảo hiểm (mang thai hoặc sinh con) xảy ra. Thông thường, mỗi chương trình bảo hiểm sẽ có một khoảng thời gian chờ khác nhau được ghi rõ trong hợp đồng và được tính từ ngày ký kết hợp đồng bảo hiểm. Mục đích của quy định này là để tránh các trường hợp trục lợi từ bảo hiểm. 

Chẳng hạn, bảo hiểm thai sản có thời gian chờ sinh con là 210 ngày thì có nghĩa là nếu bạn sinh con trước 210 ngày kể từ ngày ký hợp đồng thì sẽ không đủ điều kiện được hưởng quyền lợi bảo hiểm thai sản, hay nói cách khác là không được công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi thai sản. Bạn chỉ được thanh toán quyền lợi bảo hiểm thai sản nếu sinh em bé sau thời gian chờ. 

Trong trường hợp bạn chưa có thai từ sau thời gian chờ đến hết hợp đồng thì xem như hợp đồng hết hiệu lực. Bạn có thể tiếp tục tham gia bằng cách đóng tiền cho các năm tiếp theo.

Mỗi chương trình bảo hiểm sẽ có một khoảng thời gian chờ khác nhau. Thông thường, khoảng thời gian này sẽ dao động từ 7 – 12 tháng tính từ thời điểm bạn ký hợp đồng.

Bài viết liên quan:

Bạn nên mua bảo hiểm thai sản khi nào?

Nếu bạn băn khoăn không biết nên mua bảo hiểm sức khỏe thai sản khi nào thì câu trả lời là nên mua bảo hiểm thai sản từ trước khi mang thai. Bởi như đã đề cập, đa phần các chương trình bảo hiểm thai sản đều có một khoảng thời gian chờ mà nếu bạn mang thai và sinh con thì công ty bảo hiểm sẽ không hỗ trợ chi phí. Ngoài ra, mức phí bảo hiểm cũng thường tăng theo độ tuổi do sản phụ cao tuổi sẽ dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe trong lúc mang thai và sinh con hơn.

Chính vì thế, nếu bạn đã có kế hoạch sinh con từ lâu thì hãy nhanh chóng tìm mua các gói bảo hiểm này càng sớm càng tốt. Vậy bảo hiểm thai sản nên mua trước bao lâu? Theo đó, bạn nên tham gia bảo hiểm thai sản trước khi mang thai từ 1 – 2 năm để được hưởng trọn vẹn quyền lợi nhé.

Ngoài ra, một số người cũng băn khoăn là liệu mua bảo hiểm thai sản khi đã có thai thì có được không. Bạn vẫn có thể tham gia bảo hiểm thai sản khi đã có thai. Tuy nhiên, mức phí lúc này có thể cao hơn và sẽ có sự hạn chế về quyền lợi. Chính vì vậy, nếu bạn có thai rồi mới dự định mua bảo hiểm thai sản thì hãy cân nhắc và tìm hiểu thật kỹ về các chính sách, quyền lợi trước khi đưa ra quyết định là nên tham gia hay không nhé!

Bài viết liên quan:

Khi nào nên mua bảo hiểm thai sản?
Bạn nên mua bảo hiểm thai sản trước khi có thai từ 1 - 2 năm.

Những quyền lợi cơ bản của bảo hiểm thai sản

Hiện trên thị trường sẽ có nhiều chương trình bảo hiểm thai sản khác nhau với mức phí linh hoạt. Nhìn chung, mức phí càng cao thì quyền lợi càng hấp dẫn. Tuy nhiên, hầu hết các gói bảo hiểm thai sản đều sẽ có chung những quyền lợi cơ bản như: 

1. Thanh toán chi phí nằm viện chờ sinh và sau sinh

Quyền lợi đầu tiên mà bạn nhận được khi tham gia bảo hiểm thai sản đó là được hỗ trợ chi phí nằm viện chờ sinh và sau sinh. Trong đó, các chi phí như tiền phòng, giường bệnh, tiền phòng chăm sóc đặc biệt, chi phí bệnh viện tổng hợp… thường được hỗ trợ tối đa. 

Tuy nhiên, mỗi gói/công ty bảo hiểm sẽ có những điều khoản cụ thể về hạn mức chi trả quyền lợi bảo hiểm thai sản, số ngày nằm viện được chi trả hoặc số lần khám trước và sau khi sinh. Nếu quyết định tham gia, bạn sẽ cần xem xét kỹ các yếu tố này.

2. Hỗ trợ chi phí sinh thường là một quyền lợi của bảo hiểm thai sản

Hiện hầu hết các chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe thai sản đều mang đến quyền lợi hỗ trợ chi phí sinh thường. Cụ thể, bảo hiểm thai sản sẽ giúp chi trả các chi phí y tế phát sinh cho việc sinh thường như chi phí đỡ đẻ, viện phí, bác sĩ chuyên khoa, cắt may tầng sinh môn (ngoại trừ may thẩm mỹ), chăm sóc mẹ trước và sau khi sinh.

3. Quyền lợi hưởng bảo hiểm thai sản: Thanh toán chi phí sinh mổ

Ngoài hỗ trợ chi phí sinh thường, nếu trong trường hợp bạn được bác sĩ chỉ định sinh mổ thì bảo hiểm thai sản cũng sẽ giúp chi trả các khoản chi phí liên quan như chi phí mổ, viện phí, bác sĩ chuyên khoa, chăm sóc mẹ trước và sau khi sinh. Tuy nhiên, với nhiều gói bảo hiểm, quyền lợi này sẽ không được chi trả trong trường hợp sinh mổ theo yêu cầu của người được bảo hiểm.

4. Hỗ trợ chi phí điều trị biến chứng thai sản

Ngoài việc hỗ trợ chi phí kiểm tra sức khỏe trước khi sinh, chi phí sinh thường, sinh mổ, chi phí nằm viện chờ sinh, các chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe thai sản còn giúp hỗ trợ chi phí điều trị biến chứng thai sản, bất thường trong quá trình mang thai, các bệnh lý phát sinh do thai kỳ hoặc trong trường hợp sinh nở cần đến phẫu thuật/thủ thuật. 

Thông thường, biến chứng thai sản sẽ bao gồm các trường hợp sau:

  • Phá thai cho người mẹ là người được bảo hiểm theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp thai ngừng phát triển, thai lưu, dọa sảy thai, sảy thai
  • Thai trứng
  • Thai ngoài tử cung
  • Sót nhau, băng huyết, tiền sản giật, sản giật, dọa vỡ tử cung, vỡ tử cung
  • Chuyển dạ kéo dài
  • Ngôi thai bất thường, bất thường liên quan đến dây rốn
  • Nhau tiền đạo, thuyên tắc ối
  • Đẻ chỉ huy, giác hút, forceps
  • Đẻ non tháng (có thể không bao gồm chi phí điều trị giữ thai do dọa sinh non).

5. Thanh toán chi phí chăm sóc bé sau sinh

Một số chương trình bảo hiểm thai sản sẽ thanh toán các khoản chi phí chăm sóc bé trong 5 – 7 ngày sau sinh. Ngoài ra, bảo hiểm thai sản cũng chi trả thêm chi phí y tế cần thiết để điều trị nội trú cho trẻ sơ sinh liên quan đến những triệu chứng xuất hiện khi sinh hoặc có biểu hiện trong vòng 7 ngày sau khi sinh với điều kiện người mẹ vẫn nằm viện.

Câu hỏi thường gặp về bảo hiểm thai sản

Bảo hiểm thai sản bao nhiêu tiền?

Hiện nay, mức phí tham gia bảo hiểm thai sản rất đa dạng. Tùy từng công ty và chương trình bảo hiểm mà bạn lựa chọn mà mức phí có thể dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Mức phí tham gia càng cao thì quyền lợi càng hấp dẫn. Vì vậy, khi muốn tham gia bảo hiểm thai sản, bạn nên tham khảo nhiều công ty và nhiều chương trình khác nhau để lựa chọn một gói bảo hiểm có mức phí phù hợp nhất với mình.

Thời gian nhận được quyền lợi (tiền) bảo hiểm thai sản là bao lâu?

Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, bạn thường có 1 năm để nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, chi trả quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng. Lúc này, câu hỏi được nhiều người đặt ra là “Sau khi nộp yêu cầu chi trả bảo hiểm và hồ sơ hợp lệ, bao lâu thì nhận được tiền bảo hiểm thai sản?”. Trên thực tế, mỗi công ty bảo hiểm sẽ có một khoảng thời gian chi trả quyền lợi bảo hiểm khác nhau, được thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ phải giải quyết quyền lợi bảo hiểm trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ yêu cầu chi trả bảo hiểm và hồ sơ hợp lệ.

Bảo hiểm thai sản bao lâu hết hạn?

Thông thường, các gói bảo hiểm thai sản hoặc các gói bảo hiểm sức khỏe có quyền lợi thai sản thường có thời hạn 1 năm. Sau 1 năm, bạn sẽ phải tái ký hợp đồng để tiếp tục nhận được quyền lợi bảo hiểm.

Biến chứng thai sản thường gồm những trường hợp nào?

Mỗi công ty và chương trình bảo hiểm sẽ có những quy định khác nhau về biến chứng thai sản. Tuy nhiên, nhìn chung, biến chứng thai sản thường bao gồm các trường hợp sau:

  • Phá thai cho người mẹ theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp thai lưu, thai ngừng phát triển, dọa sảy thai hoặc sảy thai
  • Thai ngoài tử cung
  • Thai trứng
  • Sót nhau, tiền sản giật, băng huyết, sản giật, dọa vỡ tử cung, vỡ tử cung
  • Chuyển dạ kéo dài
  • Ngôi thai bất thường
  • Bất thường liên quan đến dây rốn
  • Đẻ chỉ huy, giác hút, forceps
  • Sinh non tháng
  • Nhau tiền đạo, thuyên tắc ối
Bảo hiểm thai sản sẽ không hỗ trợ, bồi thường trong trường hợp nào?

Dù phạm vi bảo vệ của bảo hiểm thai sản tương đối rộng nhưng thường sẽ không hỗ trợ cho các trường hợp sau:

  • Thai phụ mắc các bệnh bẩm sinh 
  • Thai phụ mắc các bệnh có sẵn ảnh hưởng đến thai kỳ
  • Chi phí điều trị vô sinh, hiếm muộn
  • Phí thuốc ngoài mục đích điều trị như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vitamin tăng cường sức khỏe…
  • Chi phí kiểm tra sức khỏe thường xuyên với bác sĩ, phí tư vấn…
  • Điều trị y tế không theo chỉ định của bác sĩ hoặc cơ sở y tế
  • Những chỉ định phẫu thuật có từ trước ngày bắt đầu bảo hiểm, điều trị và phẫu thuật theo yêu cầu của người tham gia không liên quan đến chỉ định cần thiết
  • Dịch vụ điều trị tại nhà (trừ chi phí y tá chăm sóc tại nhà)

Tuy nhiên, mỗi gói bảo hiểm sẽ có những quy định khác nhau về điều khoản loại trừ. Vì vậy, bạn nên kiểm tra thật kỹ hợp đồng trước khi quyết định tham gia. 

Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã có thêm thông tin về bảo hiểm thai sản cũng như tầm quan trọng của việc trang bị gói bảo hiểm này. Bảo hiểm sức khỏe thai sản có thể mang đến cho bạn nhiều quyền lợi, do đó nếu đang có kế hoạch sinh con, bạn hãy cân nhắc tham gia để giúp bản thân có sự chuẩn bị tốt nhất nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bảo hiểm thân thể học sinh: Những điều bố mẹ cần biết Bảo hiểm thân thể học sinh: Những điều bố mẹ cần biết
Bảo hiểm sức khỏe

Bảo hiểm thân thể học sinh: Những điều bố mẹ cần biết

Bảo hiểm khám sức khỏe định kỳ và các gói bảo hiểm tốt nhất 2023 Bảo hiểm khám sức khỏe định kỳ và các gói bảo hiểm tốt nhất 2023
Bảo hiểm sức khỏe

Bảo hiểm khám sức khỏe định kỳ và các gói bảo hiểm tốt nhất 2023

10 gói bảo hiểm ung thư bạn không thể bỏ qua 10 gói bảo hiểm ung thư bạn không thể bỏ qua
Bảo hiểm sức khỏe

10 gói bảo hiểm ung thư bạn không thể bỏ qua

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK