Ung thư
Ung thư

Tổng hợp điều bạn cần biết về ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2)

Ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) có thể được xem là giai đoạn sớm, vẫn còn khả năng điều trị. Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan bởi bệnh có nhiều khả năng tiến triển phức tạp, trở thành tình trạng đe dọa tính mạng trong thời gian rất ngắn.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-13
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) là gì?Biểu hiện, dấu hiệu và những triệu chứng thường gặp của ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2)Ung thư gan giai đoạn II được chẩn đoán bằng phương pháp nào?Cách điều trị ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2)Giải đáp thắc mắc về ung thư gan giai đoạn II
Tổng hợp điều bạn cần biết về ung thư gan giai đoạn 2

Để tìm hiểu rõ hơn những thông tin liên quan đến ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2), mời bạn hãy cùng Công ty Bowtie theo dõi các nội dung được chia sẻ trong bài viết này nhé!

Ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) là gì?

Các giai đoạn của bệnh ung thư gan có thể được xác định theo nhiều cách khác nhau dựa trên một số đặc điểm liên quan đến kích thước khối u cũng như mức độ lây lan của tế bào ung thư. Ở đây, ung thư gan giai đoạn II là một trong các giai đoạn của ung thư gan được phân chia theo hệ thống TNM.

Hệ thống phân loại TNM chia bệnh ung thư gan thành 4 giai đoạn. Trong đó, ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) được xác định khi người bệnh chỉ có một khối u duy nhất với kích thước lớn hơn 2cm và đã xâm lấn các mạch máu, hoặc có nhiều khối u nhưng kích thước của chúng đều dưới 5cm. Đồng thời không có dấu hiệu cho thấy tế bào ung thư đã lây lan đến các hạch bạch huyết hoặc di căn ra bên ngoài gan.

Dù hệ thống phân loại TNM được nhiều người biết đến nhưng trên thực tế hiện nay, việc phân chia các giai đoạn của ung thư gan chủ yếu dựa vào hệ thống phân độ của Hiệp hội Barcelona (BCLC) hoặc hệ thống phân độ của Hiệp hội Ung thư Mỹ. Theo đó, hệ thống BCLC chia ung thư gan làm 5 giai đoạn là 0, A, B, C, D dựa trên kích thước, số lượng, mức độ lan rộng của khối u cũng như chức năng gan và tổng trạng của bệnh nhân. Còn theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, quá trình tiến triển của ung thư gan sẽ gồm 3 giai đoạn là khu trú, khu vực và di căn.

Biểu hiện, dấu hiệu và những triệu chứng thường gặp của ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2)

Phần lớn các dấu hiệu ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) vẫn còn khá mờ nhạt và chỉ rõ ràng hơn khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn sau. Tuy nhiên, nhìn chung, các triệu chứng phổ biến của ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn II (giai đoạn 2) mà người bệnh có thể gặp phải đó là: 

  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Kém ngon miệng và cảm giác nhanh no khi ăn
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Đau dữ dội ở vùng bụng bên phải, vị trí gần xương bả vai phải hoặc vị trí vùng thượng vị
  • Chướng bụng do tích tụ dịch 
  • Vàng da, vàng mắt
  • Ngứa da, bầm tím hoặc chảy máu bất thường
  • Gan to, lá lách to
  • Tĩnh mạch nổi rõ trên bụng
  • Sốt, mệt mỏi
  • Dấu sao mạch
  • Lòng bàn tay son

Một điều bạn cần lưu ý là các dấu hiệu kể trên có thể xảy ra do những nguyên nhân khác không phải ung thư gan. Đồng thời, ung thư gan cũng có khả năng biểu hiện các triệu chứng không được nêu ở trên. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán phù hợp ngay khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu khác thường nào trong cơ thể.

Xem thêm các giai đoạn của bệnh ung thư gan tại đây:

Dấu hiệu ung thư gan giai đoạn 2
Những cơn đau dữ dội ở vùng bụng bên phải có thể là dấu hiệu ung thư gan giai đoạn II.

Ung thư gan giai đoạn II được chẩn đoán bằng phương pháp nào?

Quá trình chẩn đoán bệnh ung thư gan nói chung cũng như ung thư gan giai đoạn II nói riêng có thể bao gồm một số kiểm tra, xét nghiệm sau:

Kiểm tra lâm sàng

Trước khi chỉ định các phương pháp xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ sẽ khai thác một số thông tin cần thiết liên quan đến bệnh sử, thói quen sinh hoạt, yếu tố nguy cơ cùng với những triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Đồng thời, bác sĩ cũng thăm khám sức khỏe tổng thể cho người bệnh để kiểm tra các triệu chứng lâm sàng như chướng bụng, vàng da, vàng mắt…

Xét nghiệm máu

Phương pháp xét nghiệm máu thường được thực hiện trong chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn II (giai đoạn 2) với các mục đích:

  • Tìm chất chỉ dấu sinh học của khối u như AFP, AFP-L3, PIVKA II (DCP)…
  • Kiểm tra chức năng gan, chức năng thận và một số hoạt động khác trong cơ thể
  • Xét nghiệm miễn dịch về virus viêm gan B và C

Chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ có thể phát hiện khối u ở gan hoặc những vị trí khác trong cơ thể bằng cách quan sát hình ảnh chi tiết được cung cấp từ các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như: 

  • Siêu âm 
  • Chụp X-quang 
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
  • Chụp động mạch

Sinh thiết

Với một số trường hợp cần nhận định chính xác về tính chất của khối u, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện sinh thiết trước khi đưa ra kết luận chẩn đoán. Đây là phương pháp áp dụng kỹ thuật nội soi, phẫu thuật hoặc các dụng cụ đặc biệt khác để tách một mẫu mô gan nhỏ ra khỏi cơ thể, sau đó tiến hành kiểm tra trong phòng thí nghiệm.  

Cách điều trị ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2)

Dựa vào kết quả chẩn đoán cụ thể kết hợp với tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân và những dấu hiệu đã được tìm thấy mà các phương pháp điều trị ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) có thể bao gồm:

Phẫu thuật cắt gan

Phẫu thuật cắt bỏ một thùy hoặc hạ phân thùy gan chứa khối u là phương pháp đem đến hiệu quả tích cực cho các bệnh nhân được chẩn đoán ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) và có phần còn lại của gan vẫn khỏe mạnh. Sau phẫu thuật cắt gan, một số phương pháp khác có thể được chỉ định để ngăn ngừa ung thư tái phát, góp phần kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Phẫu thuật ghép gan

Phương pháp ghép gan có thể được xem xét để điều trị cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) nhưng không thể phẫu thuật cắt bỏ một phần gan vì bất kỳ nguyên nhân nào. Đây cũng là phương pháp điều trị cho bệnh nhân vừa mắc ung thư gan vừa mắc các bệnh nền ở gan khác.

Tuy nhiên, với phương pháp này, người bệnh thường phải đợi một khoảng thời gian dài trước khi nhận được gan phù hợp. Trong thời gian đó, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp khác để giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh.

Các phương pháp điều trị khác

Với các trường hợp ung thư gan giai đoạn II không thể phẫu thuật cắt bỏ gan hoặc đang chờ ghép gan, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các phương pháp khác, bao gồm:

  • Phương pháp nút động mạch (TACE): Bằng cách sử dụng hóa chất để gây tắc nghẽn động mạch cung cấp máu nuôi tế bào ung thư, phương pháp TACE có thể giúp thu nhỏ khối u và tiêu diệt chúng.
  • Đốt u bằng sóng cao tần (RFA) hoặc vi sóng (MWA): Đây là phương pháp phá hủy tế bào ung thư gan nhờ vào nhiệt lượng của sóng cao tần hoặc vi sóng.
  • Truyền hóa chất qua động mạch gan: Hóa chất sẽ được đưa trực tiếp vào gan thông qua các động mạch gan để kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư.

Giải đáp thắc mắc về ung thư gan giai đoạn II

Ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) có nguy hiểm không?

Ung thư gan là tình trạng vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương đối thấp dù là giai đoạn sớm. Đặc biệt ở giai đoạn II, các tế bào ung thư có nhiều khả năng tiếp tục xâm lấn ra ngoài gan dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng làm tăng nguy cơ tử vong. Vì vậy, người bệnh không được chủ quan mà cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) có chữa được không?

Bệnh ung thư gan ở giai đoạn II thường có tiên lượng khả quan nếu như được phát hiện và điều trị thích hợp. Tuy nhiên, để biết ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) có chữa được không cần phải xem xét thêm một số yếu tố sau đây:

  • Số lượng, kích thước u và mức độ lây lan của các khối u
  • Khả năng hoạt động của gan
  • Thể trạng bệnh nhân
  • Sự ảnh hưởng của các bệnh lý khác tại gan
Ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) sống được bao lâu?

Thông thường, tuổi thọ của bệnh nhân ung thư gan có thể được quyết định bởi quá trình điều trị và chăm sóc. Do đó, không có con số cụ thể nào để mô tả việc ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) sống được bao lâu. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Ung thư Mỹ thì tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm ở những bệnh nhân ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn khu vực) là khoảng 13%.

Trên đây là những thông tin về bệnh ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) mà bài viết muốn chia sẻ cùng bạn. Hy vọng qua đó, bạn có thể bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Ngoài ra, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu như nhận thấy các biểu hiện ung thư gan giai đoạn II (giai đoạn 2) nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

8 dấu hiệu ung thư tuyến giáp bạn chớ bỏ qua 8 dấu hiệu ung thư tuyến giáp bạn chớ bỏ qua
Ung thư

8 dấu hiệu ung thư tuyến giáp bạn chớ bỏ qua

Chế độ ăn cho người ung thư vú: Nên ăn gì, kiêng gì? Chế độ ăn cho người ung thư vú: Nên ăn gì, kiêng gì?
Ung thư

Chế độ ăn cho người ung thư vú: Nên ăn gì, kiêng gì?

Phát hiện ngay 12 dấu hiệu ung thư gan trước khi quá muộn Phát hiện ngay 12 dấu hiệu ung thư gan trước khi quá muộn
Ung thư

Phát hiện ngay 12 dấu hiệu ung thư gan trước khi quá muộn

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK